Giáo dục cần đi từ gốc rễ, cần sự phối hợp đa phương

"Đâu là trách nhiệm của gia đình, của xã hội để tạo ra một con người trong xã hội. Trong thế kỷ 21, chúng ta cần gì? Đó là trách nhiệm của gia đình nhiều hơn là trường học và xã hội..." - là những điều bà Đỗ Thùy Dương - CEO TalentPool chia sẻ tại tọa đàm "Đổi mới chương trình và Sách giáo khoa hệ phổ thông: Những vấn đề chính sách liên quan" do Nghị Sĩ Trẻ Việt Nam tổ chức.

Giáo dục cần đi từ gốc rễ, cần sự phối hợp đa phương

Vào Chủ nhật (12/03) vừa qua tại Heritage Space, Dolphin Plaza, 06 Nguyễn Hoàng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội đã diễn ra tọa đàm mở với chủ đề: "Đổi mới chương trình và Sách giáo khoa hệ phổ thông: Những vấn đề chính sách liên quan".  Sự kiện nằm trong chuỗi tọa đàm do tổ chức Nghĩ Sĩ Trẻ Việt Nam (Vietnam Youth Parliament - VNYP) tổ chức nhằm cập nhật thay đổi nhận thức giới trẻ, mang đến cơ hội va chạm với kiến thức xã hội phong phú dưới hình thức mô phỏng Nghị viên. 

Tọa đàm diễn ra với sự tham dự của các khách mời đặc biệt: 

- TS. Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Giáo dục Đại học (CHEER) của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
- PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, Phó viện trưởng Viện Kinh tế & Thương mại quốc tế, Đại học Ngoại Thương
- Bà Đỗ Thùy Dương, Sáng lập & CEO Công ty CP Hội tụ nhân tài - TalentPool Vietnam 
- Ông Nguyễn Quang Thạch, Người sáng lập dự án SÁCH HÓA NÔNG THÔN

1."Tôi tìm mãi không ra được ưu điểm của giáo dục Việt" 

Bàn về hệ thống giáo dục Việt Nam, có thể thấy chúng ta còn rất nhiều nhược điểm. Theo bà Phạm Thị Ly Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Giáo dục Đại học (CHEER) của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ, nhược điểm lớn nhất của giáo dục Việt là "học sinh đi học vì thành tích cao thì nhiều, học để đi thi thì nhiều". Hệ thống giáo dục Việt so với thế giới, đặc biệt là các nền giáo dục tiên tiến, đang thiếu đi sự đầu tư vào các khả năng của con người như khả năng tư duy, khả năng sống còn, khả năng sáng tạo... thay vì chỉ tiếp thu kiến thức khô khan. Điều này tuy mang lại thành tích của Việt Nam, song người Việt hầu hết vẫn đang chỉ là các "test-taker".  

PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, Phó viện trưởng Viện Kinh tế & Thương mại quốc tế, Đại học Ngoại Thương cũng chia sẻ quan điểm tương đồng với bà Ly. Bà thẳng thắn "Tôi tìm mãi không ra được ưu điểm của giáo dục". Bởi theo các khách mời, giáo dục mang chuỗi giá trị toàn cầu, học nhưng cần phải biết làm, "chứ không thể chỉ biết học nhưng ra ngoài lại không thể làm gì"

 2. Sai khi đổ hết trách nhiệm giáo dục lên trường học 

Một thực tế có thể thấy rằng, giáo dục Việt tuy đang thay đổi, song vẫn luôn vướng vào những phản ứng trái chiều của dư luận và phụ huynh. Phụ huynh phản ứng dữ dội về việc thay đổi sách, thay đổi chế độ thi cử, băn khoăn về các chính sách mới về giáo dục... Tuy nhiên, chúng ta đang hoàn toàn sai khi đổ lỗi hết trách nhiệm lên trường học. Theo bà Đỗ Thùy Dương - CEO TalentPool Vietnam, "thế kỷ 21, điều cần để tạo ra một con người trong xã hội không chỉ là mỗi hệ thống giáo dục. Trách nhiệm của gia đình còn lớn hơn trường học và xã hội rất nhiều. Sai khi gia đình dồn hết trách nghiệm vào trường học"

Không phủ nhận, trường đại học, trường phổ thông, trường cấp hai... đã cho học sinh/ sinh viên Việt nhiều điều. Tuy nhiên, một trong những sai lầm lớn nhất của trường học và xã hội là biến những tương lai của đất nước thành những cái máy, chỉ đưa cho các bạn một con đường, chứ không phải hai. Sách giáo khoa đưa cho giáo viên cũng chỉ một con đường. "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" - các khách mời đều chỉ ra rằng, vấn đề của giáo dục không chỉ nằm ở trường học, mà còn nằm ở gia đình khi chưa hình thành được những thói quen học tập cho trẻ Việt ngay từ khi còn bé. Giáo dục hiện đại cần đi từ gốc rễ, cần ươm mầm và tạo ảnh hưởng ngay từ đầu. 

Nhìn vào giáo dục Pháp, đọc sách là một nét đẹp, một thói quen rất tuyệt vời để học tập, và cần hình thành, duy trì từ sớm. Khi đối chiếu lại với người Việt, yếu điểm lớn nhất của ta là đọc sách rất ít - đến mức báo động! Ở nông thôn ta, người muốn đọc lại không có điều kiện để đọc. Còn ở thành phố, khi điều kiện lại có thừa thì những yếu tố của xã hội hiện đại lại lấn át, smartphone, internet... khiến Việt Nam trở nên lười đọc hơn rất nhiều quốc gia khác. "Từng cá nhân đã không chịu khó đọc, giáo viên Việt Nam cũng vậy, nếu không đọc nhiều, không có đủ năng lực tổng quan thì sao có thể đáp ứng được đổi sách giáo khoa đển từ Bộ?" - ông Nguyễn Quang Thạch chia sẻ. 

3. Đổi sách giáo khoa - nhiều hơn một yếu tố ảnh hưởng đến sự thích ứng của giáo viên 

Trước quan điểm của ông Thạch, bà Ly chia sẻ chính chính sách chưa tốt mới là vấn đề khiến giáo viên không có không gian để sáng tạo thêm bên ngoài sách bởi "Sách giáo khoa là pháp lệnh". Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa chính sách hoàn toàn sai. Là một đại diện của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, bà Đỗ Thùy Dương nhìn vấn đề dưới cả góc độ chính phủ, cũng như một người làm giáo dục với hơn chục năm đứng lớp các công ty lớn nhỏ tại TalentPool.

Bà Đỗ Thùy Dương chia sẻ quan điểm cá nhân 

Theo bà Dương, có nhiều hơn một yếu tố ảnh hưởng đến sự thích ứng của giáo viên đối với vấn đề thay đổi sách giáo khoa mới. Đầu tiên, vấn đề nằm ở động lực. Câu hỏi được đặt ra rằng "Liệu học sinh Việt Nam có tôn trọng giáo viên đủ để họ có động lực truyền tải những kiến thức mới, những kiến thức hấp dẫn họ đọc được, tiếp thu được ở nhiều nguồn khác nhau hay không?", hay học sinh lại không hề muốn đón nhận theo hướng tích cực, động viên những người đứng lớp.  

Theo đónăng lực. Năng lực giáo viên liệu có đi cùng với năng lực quản lý hay không cũng ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng áp dụng sách giáo khoa mới của Bộ. VNEN xuất hiện - có rất nhiều giáo viên hạnh phúc, họ đồng ý và mong muốn triển khai sớm. Tuy nhiên, trong một tập thể nếu chỉ có một giáo viên có động lực, có năng lực, nhưng lại không có đồng đội cùng chí hướng thì rất khó. Chính sách có thể tốt, đổi mới có thể tốt, nhưng thực thi lại không thể thực thi được. Vấn đề nằm ở nhiều hơn một yếu tố ảnh hưởng, "và mọi yếu tố cần tương tác được tốt với nhau" - bà Dương chia sẻ. 

4. Cắt lối thoát cho giáo dục - giáo dục cần sự kết hợp đa phương! 

Tọa đàm diễn ra sôi nổi hơn khi các diễn giả giao lưu cùng khách mời và thính giả. Khi được đặt câu hỏi về việc "Làm thế nào để cắt lối thoát cho vòng tròn luẩn quẩn của giáo dục", ông Thạch chia sẻ về con đường mà ông vẫn đang theo đuổi: mang lại thói quen đọc sách đến cho phụ huynh và giới trẻ. Trong những năm vừa qua, ông Thạch đã có cơ hội đưa nhiều dự án vào triển khai thực tế như tập huấn chuyên môn cho giáo viên mầm non, đưa tủ sách về trường học tại Thái Bình để mọi gia đình có thể cùng tham gia... "Chúng ta ko thể đổ lỗi mãi. Với tôi, chúng tôi vẫn đang nổ lực để Việt Nam có khoảng 300 ngàn tủ sách. Có thể năm nay sẽ đi xuyên việt để nhân cao nhận thức về đọc sách. Bởi nó như xương sống 1 quốc gia giúp nâng cao kiến thức và vốn hiểu biết. Đâu chỉ là sách giáo khoa, học sinh cần đọc nhiều hơn nữa! "

Dưới vị trí là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và nhân sự, bà Dương khẳng định quan điểm sống: "Everyone teaches, everyone learns". Đối với bà Dương, bên cạnh giáo dục chính thống còn tồn tại giáo dục phi chính thống, mình không chỉ đọc sách mà có thể học phản biện, học nhiều điều khác nữa. Chúng ta là những người được đào tạo rất bài bản, tại sao chúng ta không mang những điều ta biết, ta giỏi đến cộng đồng. "Có những giai đoạn Dương không thể dạy được con mãi, vì những thời điểm đó nó chỉ có thể quây lại bởi xã hội. Đây chính là lúc xã hội thể hiện trách nhiệm trong việc giáo dục, bên cạnh gia đình và trường học". 

Người tham dự tích cực đặt câu hỏi đến các diễn giả 

Các nhóm sinh viên tại Vietnam Youth Parliament giải case study - Nhóm Giáo dục 

Trở lại chủ đề "Đổi mới chương trình và Sách giáo khoa hệ phổ thông: Những vấn đề chính sách liên quan", bà Ly khuyến khích đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục. Tuy quá trình này vẫn tạo ra những ảnh hưởng không muốn và bị thương mại hóa phần nào, nhưng với chủ trương này, các khu vực tư nhân bắt đầu tham gia và các gia đình có thêm nhiều lựa chọn hơn.

Giáo dục phổ thông tổng thế đang có sự thay đổi bởi dựa trên quan điểm vững chắc và phúc lợi: chuyển nền giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang nâng cao năng lực. Từng môn học trong trường lớp đều phải trả lời được các vấn đề: những kiến thức này giúp hình thành năng lực gì, thông qua cách nào để có thể đánh giá học sinh/ sinh viên. Đây là điều mà trước đây chưa bao giờ có. 

Một hệ thống giáo dục cởi mở hơn là điều mà mọi diễn giả đều hướng đến trong tọa đàm lần này. Trong một câu chuyện bà Đỗ Thùy Dương chia sẻ, bà Dương tin rằng con người ai cũng đang tự hoàn thiện bản thân, cần phải có các đánh giá trẻ hợp lý thay vì đánh vào hạnh kiểm - một cách đánh vào nhân phẩm con người khá tiêu cực. 

Kết

Giáo dục là nền tảng của một quốc gia. Lần đầu tiên một cuộc cải cách về giáo dục mà mọi thứ được đưa ra công khai, sẵn sàng nhận mọi đóng góp cũng như sự công kích từ dư luận. "Giáo dục là nghiệp của toàn dân", do vậy, sự tương tác, tham gia của người dân với chính sách là điều kiện cần có để nâng cao nền giáo dục nước nhà. Giáo dục nên bắt đầu từ sự truyền cảm hứng để khơi gợi thói quen và sự ham học, từ đó cần sự tham gia của xã hội để các chính sách của nhà nước được tối ưu hóa hiệu quả. 

Đối với các bạn trẻ tham dự tọa đàm lần này - các Nghị sĩ trẻ VNYP, "Các bạn không nên chỉ dừng lại ở câu chuyện là muốn làm Nghị viên, muốn nói lên tiếng nói của mình cho Nghị viện nghe, mà hơn thế nữa, là chúng ta được làm những gì chúng ta nói, chúng ta được làm những gì chúng ta muốn."  Tọa đàm đã mang lại một không gian chia sẻ tuyệt vời về một vấn đề nóng của toàn xã hội, giúp các bạn trẻ sớm tiếp xúc với những khía cạnh sâu hơn của đất nước dưới góc nhìn mới mẻ. 

 
Tin tức